Khái quát Nền tảng như một dịch vụ

Khác với các mô hình dịch vụ điện toán đám mây phổ biến khác như Phần mềm như một dịch vụ (SaaS) hay Cơ sở hạ tầng như một dịch vụ (IaaS), trong khi IaaS tập trung vào cung cấp cơ sở hạ tầng tính toán, lưu trữ và kết nối mạng cơ bản thì PaaS cung cấp nhiều lớp ứng dụng hơn trên hạ tầng như hệ điều hành, các phần mềm trung gian (như cơ sở dữ liệu, thư viện cơ bản, công cụ phát triển...).

Ngược lại, nếu so với SaaS, nền tảng của SaaS tập trung cung cấp nhiều lớp ứng dụng sử dụng sẵn, người dùng chỉ cần đăng nhập và sử dụng thì với PaaS, người dùng lại có thể linh hoạt xây dựng và triển khai các ứng dụng riêng của mình qua mạng Internet.

Như vậy, bằng việc triển khai ứng dụng trên PaaS người sử dụng có thể tận dụng được các ưu điểm:[2]

  • Triển khai ứng dụng nhanh chóng, giảm thời gian ứng dụng ra thị trường bằng cách tự động hóa hoặc loại bỏ hoàn toàn các nhiệm vụ bảo trì.
  • Giảm chi phí quản lý hạ tầng và hệ thống máy chủ, đơn giản hóa công việc cân bằng tải.
  • Các tài nguyên có thể mở rộng linh hoạt, dễ dàng theo yêu cầu phát triển ứng dụng.
  • Cung cấp môi trường tương tác linh hoạt, mọi lúc mọi nơi qua mạng Internet.

Tuy nhiên việc sử dụng PaaS cũng có nhiều nhược điểm có thể phát sinh như chi phí tăng khi triển khai ở quy mô lớn hơn,[3] thiếu các tính năng hoạt động hoặc tính năng bị khóa, giảm khả năng kiểm soát hệ thống,[4] và những khó khăn về tính tương thích, tích hợp với các hệ thống bên ngoài.[5]